Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng các địa phương đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp

Tiếp nối thành công của những hội nghị đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp tìm giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị đồng hành cùng doanh nghiệp,hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn tại Hà Giang.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng tìm giải pháp nâng tầm thế mạnh của địa phương

Đó chính là một trong những mục tiêu lớn nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi tổ chức những hội nghị đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp, tìm giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tại 3 hội nghị tổ chức ở 3 vùng sinh thái: Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ trong tháng 3 – 4/2023, Học viện đều nhận được những “đặt hàng” rất cụ thể từ các địa phương để đánh thức tiềm năng, thế mạnh, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp.

Tại hội nghị kết nối, đồng hành tổ chức ở Mộc Châu (Sơn La) ngày 17/3/2023, rất nhiều nông dân, hợp tác xã đã có những đề xuất rất cụ thể cho các chuyên gia, nhà khoa học của Học viện. Theo đó, ông Chu Quang Tạo, Giám đốc HTX Cây ăn quả Bản Ôn (Mộc Châu, Sơn La) trực tiếp đặt câu hỏi về việc phát triển cây cam ở Sơn La cũng như công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nông dân ở Sơn La, Hòa Bình cũng bày tỏ mong muốn được giải đáp các kỹ thuật nâng cao chất lượng cây có múi, cây mận, mắc ca,… những loại cây đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh Tây Bắc.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng hành cùng địa phương nâng tầm thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị tổ chức tại Sơn La tháng 3/2023.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 83.000 ha cây ăn quả; 18.963 ha cà phê; 22.459 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Hiện, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 883 hợp tác xã, 06 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 769 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

 Tại Hội nghị, ông Đông cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ Sơn La ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường.

Tương tự như vậy, tại Hội nghị tổ chức ở Đồng bằng sông Hồng với sự tham dự của các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam… ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: “Để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững thì nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất đóng vai trò rất quan trọng và tỉnh sẵn sàng hợp tác cùng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hiệu quả”.

Cũng “đặt hàng” Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên mong muốn Học viện phối hợp với các ngành, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đa dạng hóa, đổi mới nội dung đào tạo; cải thiện, nâng cao năng lực các hợp tác xã,…

Đồng hành cùng địa phương nâng tầm thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 2.Tỉnh Sơn La giới thiệu các nông sản đặc trưng của tỉnh bên lề Hội nghị. Ảnh: P.V

Được biết, trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên cũng đã ưu tiên phê duyệt khoảng 30 đề án, dự án, kế hoạch để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có các đề án, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, như: Dự án chọn lọc, duy trì giống nếp thơm Hưng Yên; dự án bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn Hưng Yên; thực hiện mô hình nuôi cá trên ao bán nổi, sông trong ao?… “Khoa học công nghệ là đòn bẩy vững chắc để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Nam nói.

Còn tại Hội nghị tổ chức ở khu vực Bắc Trung Bộ, ông Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn tỉnh được hợp tác và có những cam kết, chia sẻ giữa “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” cùng đồng hành nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung.

Đồng quan điểm, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn thì phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là nhân tố then chốt, tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. “Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nông nghiệp sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng và là một tất yếu trong bối cảnh hiện nay”, ông Tùng nhấn mạnh.

“Đặt hàng” Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại các hội nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp, tìm giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều có những ký kết rất cụ thể với Sở Khoa học công nghệ, Sở Giáo dục Đào tạo các địa phương để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Đồng hành cùng địa phương nâng tầm thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 3.Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với đại diện các sở, ngành của 4 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tại hội nghị ngày 11/4/2023.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện có tổng số gần 1.300 cán bộ, trong đó có 12 giáo sư, 81 phó giáo sư, 350 tiến sỹ, 489 thạc sỹ; Học viện có 14 khoa chuyên môn, 10 viện nghiên cứu, 15 trung tâm nghiên cứu và chuyển giao, 02 công ty, 82 mô hình khoa học và công nghệ. Học viện còn có 46 nhóm nghiên cứu mạnh và 05 nhóm khởi nguồn công nghệ (spin off). Trong 10 năm trở lại đây, Học viện đã tạo ra trên 40 giống cây trồng – vật nuôi, 32 tiến bộ kỹ thuật/bằng sáng chế/máy nông nghiệp. Hầu hết được ứng dụng tại các địa phương trong cả nước.

Hiện, Học viện có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu, trong đó Học viện có 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO và 2 bệnh viện nông nghiệp lớn nhất cả nước (Bệnh viện Thú y và Bệnh viện Cây trồng).

 Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho các địa phương, doanh nghiệp, những năm qua, bên cạnh công tác đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, có cơ chế để thu hút các giảng viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ cao phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Học viện cũng gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nghiên cứu, học đi đôi với hành, liên kết với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên đi thực tập, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, các em học sinh phổ thông trung học thông qua các cuộc thi đổi mới sang tạo. Thông qua những cuộc thi này, các em có thêm tình yêu với ngành nông nghiệp, có thêm những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học,…

“Thế mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngoài công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. Những năm qua, Học viện đã có nhiều đóng góp cho các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Có thể khẳng định, rất nhiều tỉnh, thành đã có dấu chân của các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.