Ngày 20/8/2024, trong khuôn khổ triển khai thực hiện đề tài Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn chương trình xây dựng nông thông mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đoàn công tác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có cơ hội trao đổi và làm việc với UBND thành phố Buôn Ma Thuột về thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của TP. Buôn Ma Thuột.
Đại diện UBND TP. Buôn Ma Thuột có sự tham dự của ông Nguyễn Thế Hậu – Trưởng phòng Kinh tế, ông Nguyễn Đăng Khoa – Phòng Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Phúc – Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin. Đại diện doanh nghiệp liên quan đến hoạt động du lịch nông nghiệp: Ông Đoàn Xuân Trường – Giám đốc Công ty CP thực phẩm xanh Thành Đồng, Ông Lê Văn Vương – Giám đốc Công ty TNHH&SXTM Vương Thành Công và các chuyên viên của UBND TP. Buôn Ma Thuột
Đại diện Đoàn công tác Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có sự tham dự của TS. Hồ Ngọc Ninh – Phó Trưởng Khoa DL&NN, PGS.TS Mai Thanh Cúc – Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn, TS. Lại Phương Thảo – Khoa Kế toán & QTKD, Chủ nhiệm đề tài và các giảng viên đến từ các Khoa DL&NN, KT&PTNT, Kế toán & QTKD tham dự chương trình.
Toàn cảnh chương trình làm việc của đoàn công tác Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đại diện UBND TP. Buôn Ma Thuột
Thành phố Buôn Ma Thuột không quá nổi tiếng với những hoạt động vui chơi, nhưng đây là thành phố được biết đến với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, sự kỳ bí của các ngọn thác, các khu rừng xanh mướt với những đồi cà phê bất tận. Thuộc vùng trung tâm của Tây Nguyên, vùng đất này sở hữu nhiều địa điểm thiên nhiên hoang sơ, bình dị – chính vẻ đẹp mộc mạc đã níu chân du khách đến thăm quan trải nghiệm tại nơi đây.
Mô hình du lịch nông nghiệp dựa trên thế mạnh các loại nông sản chủ lực của thành phố Buôn Ma Thuột đang có triển vọng lớn, được nhiều Doanh nghiệp khẳng định là hướng đi phù hợp vừa mang lại nhiều lợi ích kinh tế, vừa giúp nâng cao vị thế nông sản địa phương. Khi du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, là kênh quảng bá hiệu quả cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản chủ lực đặc trưng chính là “điểm mới, điểm khác biệt” để tạo nên sản phẩm du lịch riêng biệt của địa phương. Việc coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch nông nghiệp phát triển sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm, góp phần đưa du lịch của thành phố phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong những năm gần đây, du lịch nông nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột đã có những khởi sắc đáng kể, trong đó thành phố đã rất nỗ lực gắn kết các đặc sản bản địa vào phát triển du lịch tại địa phương. Với diện tích cây trồng hằng năm lớn, nông dân tại Buôn Ma Thuột đã tạo ra nhiều loại nông sản có giá trị như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, sầu riêng, mắc ca… Từ thế mạnh rất lớn này là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn là giải pháp hữu hiệu để quảng bá nông sản của tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng.
Trong buổi làm việc, các chuyên gia từ đoàn công tác của Học viện và các đại điện chính quyền, doanh nghiệp của địa phương đều cho rằng: Trong thời gian qua, sự cố gắng từ phía nông hộ, doanh nghiệp và cơ quan quản lý là rất lớn, nhưng thực tế việc triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn nhất định, khó khăn lớn nhất là chuyển đổi đất để xây dựng các công trình điểm dừng chân cho khách, khu trưng bày sản phẩm, bãi đậu xe, khu vệ sinh… đáp ứng các yêu cầu của mô hình du lịch phục vụ khách. Việc tiếp đón du khách đến tham quan tại hầu hết các vườn cây ở địa phương chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Vì phần lớn các điểm này đều chưa thể bảo đảm các điều kiện, tiêu chí theo quy định để được công nhận là điểm du lịch.
Đoàn công tác làm việc với Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea tu – TP. Buôn Ma Thuột
Đoàn công tác làm việc với ông Đoàn Xuân Trường – Giám đốc Công ty CP thực phẩm xanh Thành Đồng
Vì vậy, để khai thác tốt lợi thế nông nghiệp của địa phương gắn với phát triển du lịch hoàn thiện hơn, cần đẩy mạnh, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản thế mạnh, chất lượng của địa phương gắn với quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Cùng với đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong đào tạo, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch. Trên cơ sở tham khảo ý kiến các bên liên quan, nhóm đề tài sẽ tiếp tục khảo sát các huyện của tỉnh Đắk Lắk để nhìn nhận tổng thể thế mạnh sẵn có, từ đó sẽ có những đề xuất, góp ý xây dựng các mô hình có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp một cách toàn diện hơn./.