Dạy học trực tuyến là xu hướng học tập ngày càng phổ biến trên thế giới trong thời đại 4.0 khi mà công nghệ thông tin và truyền thông bùng nổ, các công nghệ mới ra đời và thay đổi hàng giờ, cũng như nhờ sự phát triển của mạng Internet, các công nghệ kết nối. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã lựa chọn dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trực tiếp trong đào tạo 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là: Các biện pháp triển khai cho dạy học trực tuyến đã phù hợp hay chưa? Liệu đã thực sự làm sinh viên cảm thấy hài lòng khi tham gia hình thức học tập này?
Nghiên cứu nhằm mục đích đo lường mức độ hài lòng của sinh viên Khoa Du lịch và Ngoại ngữ với hình thức dạy học trực tuyến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Số lượng khách thể khảo sát là 200 sinh viên từ khóa 63 đến khóa 66 (trong đó 160 sinh viên hệ chính quy ngành Sư phạm Công nghệ và Ngôn ngữ Anh; 40 sinh viên hệ liên thông ngành Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp định hướng nghề nghiệp) đã từng tham gia học trực tuyến các học phần. Công cụ thu thập thông tin là bảng hỏi đối với 4 nhóm yếu tố: cơ sở vật chất; chương trình giảng dạy; giảng viên; năng lực phục vụ. Cụ thể bằng 30 biến độc lập theo mô hình nghiên cứu sau:
Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra mức độ hài lòng của sinh viên khi học trực tuyến cao nhất là yếu tố giảng viên đóng góp 32,05%; tiếp đến là chương trình giảng dạy đóng góp 28,85%; sau đó đến cơ sở vật chất đóng góp 22,54%; và thấp nhất là năng lực phục vụ đóng góp 16,56%.
Mô hình |
Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa | Hệ số hồi quy chuẩn hóa | Sig. | Thống kê đa cộng tuyến | Mức độ đóng góp của các nhóm yếu tố
(%) |
Tầm quan trọng của các nhóm yếu tố | |
B | Beta | Chấp nhận | VIF | ||||
(Constant) | -0,353 | ||||||
X1 |
0,198 | ,211 | 0,001 | 0,612 | 1,635 | 22,54 | 3 |
X2 |
0,285 | ,270 | 0,000 | 0,567 | 1,761 | 28,85 |
2 |
X3 | 0,371 | ,300 | 0,002 | 0,742 | 1,349 | 32,05 |
1 |
X4 | 0,164 | ,155 | 0,004 | 0,731 | 1,367 | 16,56 |
4 |
Theo mô hình hồi quy như sau:
Mức độ hài lòng của sinh viên khi học trực tuyến = 0,198*Cơ sở vật chất + 0,285*Chương trình giảng dạy + 0,371*Giảng viên + 0,165*Năng lực phục vụ + (-0,353)
Từ kết quả đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả học trực tuyến của sinh viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thứ nhất, với giảng viên cần đảm bảo kế hoạch lên lớp và thời gian lên lớp đúng theo thời khóa biểu; cần bổ sung thêm kĩ năng sử dụng, khai thác phần mềm dạy học trực tuyến để tổ chức lớp học, xây dựng và triển khai được bài giảng điện tử có thể phát huy được tính tích cực và tương tác cao của sinh viên tham dự như kĩ năng chia nhóm thảo luận, kĩ năng sử dụng bảng tương tác, kĩ năng xây dựng trò chơi quizizz,…Học viện có thể tổ chức các lớp bồi dưỡng về khai thác phần mềm dạy học trực tuyến, sử dụng phương pháp dạy học tích cực và phương pháp kiểm tra đánh giá trong dạy học trực tuyến, cách thức tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến hiệu quả, cách thức xây dựng đề cương, bài giảng cho lớp học trực tuyến ở các học phần. Thứ hai, với chương trình giảng dạy cần đa dạng hóa các tài liệu điện tử (giáo trình, bài giảng, bài tập, đề kiểm tra, hoặc cả video ghi lại bài học,…) để sinh viên có thể đọc tìm hiểu và xem lại trong ôn tập kiến thức; tạo ra kho học liệu điện tử và sinh viên có thể truy cập bằng tài khoản mã sinh viên. Thứ ba, với cơ sở vật chất thì Học viện cần sửa chữa, đầu tư mua mới các thiết bị để đảm bảo đường truyền kết nối trong dạy học trực tuyến ổn định, hoạt động liên tục thông suốt ( Thiết bị đầu cuối của các đơn vị, Trung tâm dữ liệu, các hệ thống đường kết nối LAN/WAN và internet tốc độ cao, các phòng học/hướng dẫn học trực tuyến, các hệ thống website, diễn đàn và phần mềm dạy học online chuyên dụng,…). Ngoài ra, Học viện có thể có thêm các phần mềm dạy học trực tuyến khác có tính ưu việt hơn bên cạnh phần mềm MS Teams để tăng sự lựa chọn của giảng viên và sinh viên khi tổ chức lớp học. Thứ tư, với năng lực phục vụ thì Học viện cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ hỗ trợ sinh viên khi học trực tuyến ở cấp Khoa, cấp Học viện. Đồng thời sinh viên cũng được đánh giá hàng năm đối với đội ngũ cán bộ hỗ trợ (hiện nay mới có đánh giá giảng viên). Học viện tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề trong quá trình giao tiếp với sinh viên, xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với các lớp học online cho giảng viên và đội ngũ cán bộ phục vụ để đáp ứng được sự hài lòng của sinh viên trong thời gian học tập tại Học viện.
Kết quả nghiên cứu thu được của đề tài được công bố trên Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam số 11, tháng 11 năm 2023 tại đường link http://vjes.vnies.edu.vn/vi/muc-do-hai-long-cua-sinh-vien-khoa-du-lich-va-ngoai-ngu-khi-hoc-truc-tuyen-tai-hoc-vien-nong-nghiep
ThS. Bùi Thị Hải Yến – Nhóm NCM Phát triển DL&NN