Giáo sư Nguyễn Thị Lan: Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội chiều 1/11 (Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội bày tỏ sự đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 của Chính phủ.

Các báo cáo đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng, khoa học những kết quả đã đạt được; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, những khó khăn, nhận diện rõ những vướng mắc, thách thức sắp tới để đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cử tri đánh giá rất cao sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy kinh tế xã hội, nhiều công trình lớn được tập trung thúc đẩy đưa vào khai thác để tránh lãng phí. Công tác quy hoạch được quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, nhiều quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt, quyết định.

Cử tri cũng rất vui mừng và đánh giá cao các hoạt động đối ngoại Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân đã diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế – xã hội và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín, quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng chuyển đến Quốc hội hai nhóm vấn đề mà cử tri rất quan tâm.

Thứ nhất, liên quan đến giáo dục đại học, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cử tri, chủ yếu là các cán bộ các nhà khoa học, giảng viên trong khối các trường đại học, đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học.

Trong kỳ họp này, vấn đề giáo dục, giáo dục đại học và nguồn nhân lực cũng đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu. Điều này nhắc nhở chúng ta cần phải dành sự quan tâm thỏa đáng, thiết thực và hiệu quả tới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

“Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay thì nguồn nhân lực chất lượng cao và vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, Giáo sư Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tỉ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp.

Thống kê cho thấy, chi tiêu giáo dục đại học tính trên GDP ở nhiều quốc gia trên thế giới đều chiếm ít nhất 1% GDP, trong khi đó của Việt Nam chỉ đạt 0,25%, tỉ lệ của của Thái Lan và Indonesia gần gấp đôi, gấp ba Việt Nam.

Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên và giảng viên ở các trường đại học còn quá ít trong khi đó nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, cử tri cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành rà soát đánh giá lại và hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ; những tồn tại cần tiếp tục được quan tâm tháo gỡ sớm như vấn đề về thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, vấn đề thí điểm cho các viên chức được tham gia quản lý doanh nghiệp, công ty khoa học công nghệ, khởi nghiệp, vấn đề xác định giá trị bản quyền công nghệ, vấn đề cho các trường đại học được quyền tự quyết tham gia góp vốn bằng bản quyền công nghệ/sản phẩm khoa học công nghệ vào các doanh nghiệp để tăng thêm nguồn thu và nâng cao chất lượng cho các trường tự chủ.

Đối với các kiến nghị của cử tri các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và một số huyện ngoại thành Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, trong suốt thời gian qua, mặc dù Chính phủ và thành phố Hà Nội đã hết sức nỗ lực cố gắng để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án công trình, các tuyến giao thông trên địa bàn huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và một số huyện ngoại thành như dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, dự án Bảo tàng Thiên nhiên nhưng cử tri vẫn tiếp tục đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực đầu tư để các dự án được sớm được hoàn thành đưa vào khai thác theo quy hoạch đã được phê duyệt để tránh lãng phí nguồn lực.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội có chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích đất bãi bồi ven sông, trên cơ sở đảm bảo pháp luật về đê điều và phòng ngừa thiên tai.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cử tri cũng đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân hiệu quả hơn như chính sách kết nối, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ, thu hút và mở rộng bảo hiểm cho lĩnh vực nông nghiệp, có chính sách hấp dẫn hơn, dễ thực hiện hơn để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xứng tầm và tạo thành thế mạnh cho khu vực, cho ngành và tạo thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

                                                                                                                                                                              Vương Thuỷ