Xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh nhận diện thương hiệu đang ngày càng trở thành một chiến lược quan trọng đối với các trường đại học trên thế giới nhằm hướng tới chủ động tài chính, tăng cường kết nối với các thế hệ người học và tác nhân liên quan, và tăng cường tìm kiếm hỗ trợ từ xã hội. Các chiến lược này đã và đang chứng tỏ được những kết quả tích cực trong tiến trình các trường đại học tiến tới mục tiêu của mình. Cụ thể, các chương trình này đã tạo ra sự cải thiện trong sự hài lòng, lòng trung thành, tin tưởng và sự thay đổi hành vi hướng theo giá trị của trường trong sinh viên và người học. Các chương trình thương hiệu và nhận diện thương hiệu cũng giúp thu hút thêm người học và giữ chân nhân viên gắn bó với trường. Những hoạt động này cũng đang đóng một vai trò tích cực trong việc củng cố tinh thần đoàn kết giữa các sinh viên dưới cùng một bản sắc thương hiệu của nhà trường, giúp quảng bá hình ảnh nhà trường thông qua các thông điệp truyền miệng tích cực, tham gia vào các hoạt động tuyển sinh và tuyển dụng, và mặc đồng phục nhà trường.
Trong khi đó, các trường đại học trên thế giới cũng đang dần trở nên phổ biến trong việc trở thành điểm đến du lịch. Trường đại học được xem là điểm đến du lịch văn hoá phổ biến và đặc biệt của nhiều thành phố trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của các nhóm du khách khác nhau, bao gồm cả nhóm du khách có định hướng tìm hiểu và trải nghiệm giáo dục, và du khách tìm kiếm và trải nghiệm văn hoá. Du lịch đến với khuôn viên trường đại học được xem là bộ phận không thể thiếu của ngành du lịch, được xem như là bộ phận hiệu quả, nối dài, và xương sống của du lịch thành thị và du lịch văn hoá thành thị. Trong khi lượng du khách đến với các thành phố và do đó đến với các trường đại học sẽ ngày càng nhiều hơn, sẽ có thể có những cơ hội đẩy mạnh nhận diện hình ảnh và thương hiệu các trường đại học vào công chúng thông qua các hoạt động du lịch tại khuôn viên của các trường.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, TS. Hoàng Sĩ Thính – Trưởng Bộ môn Quản trị Khách sạn và Nhà hàng, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài cấp Học viện năm 2023 “Nghiên cứu đề xuất mô hình du lịch trải nghiệm nhận diện thương hiệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam” và đã nghiệm thu thành công kết quả nghiên cứu.
TS. Hoàng Sĩ Thính báo cáo kết quả nghiên cứu |
Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm:
– PGS. TS. Bùi Thị Nga, Khoa Du Lịch và Ngoại ngữ – chủ tịch hội đồng
– TS. Lê Quang Đăng, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – Ủy viên phản biện 1
– TS. Nguyễn Hùng Anh, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ – Ủy viên phản biện 2
– TS. Nguyễn Thị Trang Nhung – Ủy viên
– ThS. Nguyễn Thị Mai Trang – Ủy viên thư ký.
Đến dự buổi bảo vệ còn có đông đảo các thầy cô giáo và sinh viên trong Khoa Du lịch và Ngoại ngữ.
TS. Lê Quang Đăng – Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận xét báo cáo đề tài |
TS. Nguyễn Hùng Anh – Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đánh giá đề tài |
Đề tài có mục tiêu cụ thể là
(i) Hệ thống hoá cơ sở lý luận về du lịch trải nghiệm nhận diện thương hiệu trường đại học;
(ii) Phân tích thực trạng các điều kiện (nguồn lực) hiện có cho tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm nhận diện thương hiệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
(iii) Phân tích thực trạng các dịch vụ phục vụ tham quan trải nghiệm nhận diện thương hiệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
(iv) Phân tích nhu cầu và ý tưởng đề xuất cho các hoạt động du lịch trải nghiệm nhận diện thương hiệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ phía cán bộ viên chức và người học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
(v) Đề xuất mô hình du lịch trải nghiệm nhận diện thương hiệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả chỉ ra rằng có 5 nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm có thể được thiết kế và vận hành tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng đến đẩy mạnh nhận diện thương hiệu của Học viện ra công chúng, bao gồm:
– Nhóm sản phẩm du lịch định vị Học viện là một điểm đến của thủ đô Hà Nội hoặc/và của Việt Nam;
– Nhóm sản phẩm du lịch định vị Học viện là điểm đến du lịch trang bị hiểu biết và trải nghiệm cái nôi của nền nông nghiệp Việt Nam;
– Nhóm sản phẩm du lịch hướng tới người học tiềm năng muốn tìm kiếm một điểm đến cho các chương trình học đại học và sau đại học;
– Nhóm sản phẩm du lịch hồi tưởng dành cho các cựu cán bộ giáo chức và người lao động;
– Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp.
Qua đó, nhóm tác giả cũng đã đưa ra những đề xuất cụ thể về việc xây dựng mô hình quản lý và vận hành các tour du lịch trải nghiệm nhận diện thương hiệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, nhóm tác giả đề xuất hình thành một trung tâm thông tin và điều phối các hoạt động du lịch trải nghiệm Học viện đặt tại Khoa Du lịch và Ngoại ngữ. Trung tâm này sẽ là nơi thực hiện nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch đến với Học viện hướng tới quảng bá hình ảnh Học viện ra bên ngoài và thúc đẩy nhận diện thương hiệu của Học viện ra công chúng. Thêm vào đó, trung tâm cũng là nơi thực hành các hoạt động nghiên cứu và nghiệp vụ du lịch dành cho các sinh viên các ngành du lịch của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.