Tham dự Hội thảo có ông Trịnh Trọng Nam – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa; TS. Trần Thị Ngọc Liên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng; TS. Nguyễn Tất Thắng – Trưởng khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp và hơn 100 đại biểu đến từ 15 trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ phông và Trung tâm tiếng Anh khác nhau trên khắp cả nước tham dự.
Về phía Trường Đại học Hồng Đức, có PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Thị Quyết – Trưởng khoa Ngoại ngữ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường; các tác giả có bài tham luận; cán bộ giảng viên và hơn 400 sinh viên khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hồng Đức.
PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào mừng tại hội thảo
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ niềm vui mừng khi được đón tiếp các đại biểu đến tham dự hội thảo. PGS.TS. Đậu Bá Thìn cho rằng: Hội thảo là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng; đây cũng là một diễn đàn khoa học uy tín để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ những nghiên cứu, những sáng kiến, kinh nghiệm và khám phá các giải pháp sáng tạo để cải thiện chất lượng dạy học ngôn ngữ, một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt trong việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để hội nhập và phát triển trong môi trường quốc tế.
TS. Trần Thị Ngọc Liên – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Ngọc Liên – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng thay mặt cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng và Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp gửi lời cảm ơn chân thành vì sự đón tiếp nồng hậu của Trường Đại học Hồng Đức. Đồng thời, TS. Trần Thị Ngọc Liên nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giáo dục ngôn ngữ ngày nay không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức, mà còn là một quá trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, Hội thảo là cơ hội quý báu để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, giáo viên chia sẻ các vấn đề nghiên cứu, các quan điểm, cách tiếp cận mới, hiện đại trong việc dạy và học ngôn ngữ trong xu thế mới. Mặt khác, việc tổ chức hội thảo này không chỉ phản ánh cam kết của các nhà trường trong việc đóng góp vào sự phát triển của giáo dục đại học, mà còn thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, học viện trong nước.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài báo nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng, trường Trung học phổ thông và các Trung tâm tiếng Anh trên khắp cả nước gửi về và tuyển chọn được 44 đưa vào kỷ yếu hội thảo. Các bài báo cáo, tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đã đem đến những góc nhìn đa chiều, với nhiều khía cạch khác nhau về các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ học ứng dụng; phương pháp giảng dạy và học ngôn ngữ; E-learning, dạy học trực tuyến (online); dạy học kết hợp (Blended learning); dạy học Biên-Phiên dịch; kiểm tra đánh giá dạy-học ngôn ngữ; phát triển chương trình và tài liệu dạy-học ngôn ngữ; phát triển chuyên môn cho người dạy; ứng dụng CNTT vào dạy-học ngôn ngữ; văn hoá và các yếu tố liên văn hoá trong giảng dạy ngôn ngữ.
TS. Trần Thị Ngọc Liên – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại phiên toàn thể, các đại biểu tham dự đã nghe TS. Trần Thị Ngọc Liên – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng trình bày tham luận với chủ đề “ChatGPT and its Impacts on University Students’ Engagement in EFL”.
Sau phiên toàn thể Hội thảo được chia làm 06 tiểu ban, tập trung trao đổi, thảo luận về các xu hướng đổi mới trong phương pháp dạy học ngôn ngữ, cũng như việc ứng dụng những công nghệ mới trong giảng dạy, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học và xu thế phát triển của xã hội hiện đại.
TS. Nguyễn Thị Việt Hưng – Phó trưởng phòng QLKH,CN &HTQT phát biểu tại Hội thảo
Kết quả từ các bài nghiên cứu của các nhà khoa học và các ý kiến trực tiếp tại hội thảo đã gợi mở một số giải pháp mới và những phương thức giảng dạy hiệu quả hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục ngôn ngữ tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường tặng quà lưu niệm cho các đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo khoa học Quốc gia “Dạy học Ngôn ngữ: Xu hướng đổi mới và ứng dụng” đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại nhiều kết quả giá trị và ý nghĩa. Hội thảo cũng đã góp phần nâng cao sự hiểu biết về xu hướng và những đổi mới trong giáo dục nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực dạy học ngôn ngữ./.
https://hdu.edu.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-day-hoc-ngon-ngu-xu-huong-doi-moi-va-ung-dung