Sáng ngày 4/9/2024 tại phòng họp Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đã diễn ra buổi Seminar chia sẻ “Cách tiếp cận giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh theo đường hướng giao tiếp” (Teaching Grammar communicatively) do ThS. Trần Thị Hải trình bày.
ThS. Trần Thị Hải trình bày seminar
Tại buổi seminar, tác giả đã trình bày các đường hướng/phương pháp giảng dạy ngữ pháp trước đây và sự cần thiết phải giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh theo đường hướng giao tiếp. Thực hành ngữ pháp giúp sinh viên cải thiện độ chính xác của việc sử dụng ngữ pháp, cải thiện sự trôi chảy trong cả kĩ năng nói và viết, nhận ra các kiến thức, kết hợp kiến thức mới và cũ và biết tái thiết lập câu (Scott Thorbury 1999).
Nội dung chính của buổi chia sẻ là tác giả tập trung chia sẻ cách để thiết kế một bài giảng ngữ pháp theo đường hướng giao tiếp. Các loại hoạt động trong một tiết giảng diễn ra theo thứ tự sau:
- Bước 1: Giáo viên/giảng viên đưa ra hoạt động có kiểm soát (controlled practice activities). Các hoạt động này giúp sinh viên lặp lại tăng độ chính xác và cho phép sinh viên mắc ít lỗi hơn. Ví dụ một số hoạt động như (1) nhắc lại (sinh viên nhắc lại những gì giáo viên nói theo phương thức như nói nhỏ, nói to, nói với giọng buồn, nói với giọng vui), (2) thực hành (sinh viên nhắc lại cấu trúc thông qua thực hành nói), (3) Biến mất cuộc hội thoại (viết cuộc hội thoại lên bảng, cho sinh viên thời gian thực hành. Sau đó đó, xoá bớt một số từ và yêu cầu sinh viên thực hành).
- Bước 2: Giáo viên/ Giảng viên đưa ra cá hoạt động có hướng dẫn (Guided practice activities). Hoạt động này giúp sinh viên nắm được hiện tượng ngữ pháp vừa học đồng thời cho phép sinh viên cá nhân hoá ngôn ngữ của họ và thể hiện ý kiến riêng. Một số hoạt động như (1) kể chuyện (story chain). Sinh viên ngồi theo vòng tròn. Sinh viên đầu tiên nói, sinh viên sau nhắc lại theo khả năng và nói tiếp…. (2) 2 câu nói thật 1 câu nói sai. Yêu cầu sinh viên viết 3 câu về họ, 2 câu thật, 1 câu sai. Sinh viên đọc to lên và các bạn khác đoán. (3) Trò chơi đoán: sinh viên hỏi các cô Yes/No để đoán xem vật bí mật đó là gì.
- Bước 3: Hoạt động tự do: Sinh viên có cơ hội để cá nhân hoá ngôn ngữ, kinh nghiệm của mình. Hoạt động này cần ít hướng dẫn, và hỗ trợ hơn. Một số hoạt động như: (1) Điền từ vào chỗ trống. Hai sinh viên có những đoạn thông tin khác nhau, sinh viên cần tìm và ghép cho phù hợp. (2) Đóng vai (role-play), (3) thảo luận, (4) sáng tạo video, blog.
Buổi hội thảo đã thu hút các thầy/cô trong khoa tham gia và thảo luận sôi nổi.
ThS. Trần Thị Hải – Nhóm NCM Phát triển DL&NN