Ngày 16/4/2025, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ tổ chức seminar với chủ đề “Phát triển du lịch xanh tại tỉnh Quảng Nam” do TS. Nguyễn Xuân Hải – Bộ môn Quản lý Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày.
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng bởi Hội An cổ kính hay thánh địa Mỹ Sơn huyền bí, mà đang ngày càng khẳng định vai trò là tỉnh tiên phong trong phát triển du lịch xanh – hướng đi bền vững cho tương lai ngành du lịch Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Xuân Hải: Trong bối cảnh du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, khái niệm “Du lịch xanh” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn như một xu hướng tất yếu, gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển cộng đồng bền vững và Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành và thực hiện Bộ tiêu chí Du lịch Xanh từ năm 2022.
TS. Nguyễn Xuân Hải chia sẻ chủ đề Phát triển du lịch xanh tại tỉnh Quảng Nam
Nỗ lực từ chính sách đến hành động
Không dừng lại ở khẩu hiệu, Quảng Nam đã ban hành hàng loạt văn bản quản lý như Quyết định số 3570/QĐ–UBND ngày 04/12/2021 về Bộ tiêu chí Du lịch Xanh, hay Quy chế đánh giá, chứng nhận và nhận diện du lịch xanh. Đến nay, đã có 11 đơn vị trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận du lịch xanh, trong đó có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp như Four Seasons The Nam Hai, Silk Sense Hội An hay La Siesta Hội An Resort & Spa.
Các hoạt động như phân loại rác tại nguồn, sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế rác thải thành sản phẩm du lịch, cùng việc tuyên truyền đến cộng đồng và du khách đã và đang lan tỏa sâu rộng. Không thể không nhắc đến các chương trình đào tạo, tập huấn về du lịch xanh cho doanh nghiệp, người dân và cán bộ quản lý địa phương – điều được đánh giá là yếu tố cốt lõi giúp mô hình du lịch xanh đi vào thực tiễn một cách bài bản.
Những mô hình truyền cảm hứng
Quảng Nam hiện phát triển đa dạng các mô hình du lịch xanh như du lịch sinh thái làng cổ Lộc Yên, du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành, hay tour xem và chụp ảnh Chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây – loài linh trưởng quý hiếm đặc hữu của Việt Nam.
Các mô hình không chỉ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn góp phần bảo vệ sinh cảnh tự nhiên, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Đặc biệt, Hội An được xem là địa phương tiên phong trong việc vận dụng Bộ tiêu chí Du lịch Xanh, với nhiều hoạt động thực hành cụ thể như làm mới sản phẩm cũ bằng vật liệu tái chế và ứng dụng kiến trúc xanh.
Hướng đến tương lai xanh
Chia sẻ với cán bộ giảng viên tham dự, TS. Nguyễn Xuân Hải nhận định: “Du lịch xanh không còn là lựa chọn, mà là tất yếu của ngành du lịch hiện đại. Quảng Nam đã và đang là hình mẫu mà nhiều địa phương có thể học hỏi, từ chính sách nhất quán đến thực tiễn triển khai hiệu quả.”
Với mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch xanh và di sản văn hóa khu vực vào năm 2030, Quảng Nam đang tiếp tục mở rộng mạng lưới liên kết du lịch xanh với các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, và các vùng sinh thái độc đáo ở Tây Giang, Tiên Phước.