Chia sẻ của Tiến sĩ Hoàng Sỹ Thính, Khoa du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam về câu chuyện tri thức hóa nông dân và du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Sỹ Thính khẳng định: Trước hết có thể nhận thấy rõ Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để có thể phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thứ nhất, trong xu thế của thời đại ngày nay du lịch ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu của con người, trong đó nhu cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng trở nên phổ biến ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Con người sống và làm việc ở các thành phố lớn, chốn phồn hoa đô thị rất cần tìm đến những nơi thanh bình để có thể giúp tâm hồn mình được dịu đi. Và nông thôn chính là nơi đáp ứng được nhu cầu đó.
Thứ hai về khía cạnh tài nguyên, nông thôn Việt Nam có tài nguyên du lịch rất lớn bao gồm tài nguyên về sinh thái nông nghiệp, tài nguyên cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc ở các vùng miền. Hơn 54 dân tộc anh em sinh sống ở khắp mọi miền tổ quốc, các làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của từng đồng bào, từng vùng đất đã góp phần tạo nên tài nguyên du lịch nông thôn rất lớn của quốc gia.
Từ lợi thế, tiềm năng to lớn của du lịch nông nghiệp, nông thôn, Đảng và Nhà nước cũng đã xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là chiến lược quan trọng. Khi du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển sẽ cải thiện kinh tế nông thôn và đời sống bà con nông dân. Du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam dịch chuyển theo hướng sinh thái thông qua chuyển đổi các mô hình sản xuất thân thiện hơn với môi trường như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn giúp nông thôn ngày càng hiện đại nhờ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa hình thức đổi mới sáng tạo, đổi mới nề nếp sinh hoạt ở các cộng đồng trở nên văn minh hơn, đa dạng văn hóa bản sắc nông thôn hơn…
Tất nhiên quá trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ gặp phải những khó khăn, rào cản cần xóa bỏ.
Rào cản đầu tiên là về cơ sở hạ tầng. Muốn phát triển du lịch nông thôn bền vững cần phải có sự đầu tư về đường sá, cơ sở lưu trú, bệnh viện, trạm xá, cảnh quan du lịch, đầu tư cải thiện các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… để có thể phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách du lịch.
Thứ hai là rào cản về nhận thức và kỹ năng của người làm du lịch ở nông thôn. Xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nghĩa là cả một cộng đồng phải thay đổi từ nếp sống cũ sang nếp sống mới hiện đại hơn, văn minh hơn, cùng với đó là những đòi hỏi kỹ năng về ứng xử, thái độ phục vụ, hiểu biết của bà con trong cộng đồng cũng phải khác.
Rào cản tiếp theo là về chính sách. Đối với du lịch nông nghiệp, nông thôn Đảng và Nhà nước đã có các Nghị quyết, Chương trình, Đề án phát triển. Cụ thể là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến nănm 2050; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Cùng với đó là nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Tuy nhiên phải làm sao để chính sách đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn mới quan trọng. Thực tế hiện nay có thể ở tầm cao chúng ta đã có chính sách tốt, cùng với định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về du lịch nông thôn đã rất rõ ràng, tuy nhiên càng về dưới càng bộc lộ những khó khăn cần cải thiện trong quá trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Chính vì vậy, giải pháp tháo gỡ, xóa bỏ những rào cản nói trên là vấn đề cấp thiết để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Trước hết là giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thực sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Nhất là chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển các mô hình thí điểm, hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn đa dạng, chất lượng với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, khai thác lợi thế nổi bật của khu vực nông thôn về tiềm năng nông nghiệp, cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống.
Đi kèm với chính sách hỗ trợ là hành lang pháp lý, hướng dẫn chi tiết và tạo điều kiện để các địa phương và người dân có cơ sở phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ví dụ hướng dẫn về thủ tục đất đai, thủ tục xây dựng cơ sở vật chất trên đất nông nghiệp… Hiện nay vẫn chưa có chính sách, đa phần các địa phương còn đang lúng túng, cần có sự cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, có hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và bà con nông dân phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp theo là giải pháp đào tạo, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên khai thác liên kết chuỗi giá trị du lịch và nông nghiệp, đa dạng tính trải nghiệm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước, hình thành các tour, tuyến du lịch đưa khách về khu vực nông thôn… Vấn đề này đòi hỏi năng lực của bà con nông dân, của các cộng đồng làm du lịch phải từng bước được nâng cao. Muốn như thế cần có chính sách hỗ trợ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý, kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho nhân lực du lịch nông thôn, từng bước hướng tới chuyên nghiệp, hiệu quả.
Cùng với đó là các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; lồng ghép, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch… Nghĩa là phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, cần sự hỗ trợ đồng hành của cộng đồng xã hội chứ không riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ví dụ ngành Công thương hỗ trợ xây dựng, phát triển, định vị thương hiệu điểm đến và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ngành Văn hóa – Du lịch hỗ trợ thúc đẩy kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn với hoạt động lữ hành, tăng cường thu hút khách du lịch về nông thôn…
Cuối cùng là giải pháp về đầu tư hạ tầng, luôn phải đi trước một bước so với thực tiễn. Vấn đề này hiện rất cần chính sách hỗ trợ đồng bộ để hạ tầng nông thôn có thể đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa, giữ gìn được hồn cốt của làng quê, không chịu sự tác động, phá vỡ của kinh tế thị trường.
Từ những giải pháp mang tính căn cơ, nền tảng, còn những giải pháp mềm như thu hút đầu tư, khuyến khích người trẻ được học hành, đào tạo bài bản mang khát vọng và kiến thức trở về quê hương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nguồn lực con người kết hợp với tài nguyên bản địa sẽ tạo bước đột phá lớn đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/5-goi-giai-phap-go-3-nhom-rao-can-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-nong-thon-d402297.html