Sáng ngày 18/9/2024, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đã diễn ra buổi Seminar chia sẻ “Lý thuyết học tập trải nghiệm” do ThS. Bùi Thị Hải Yến trình bày. Chủ đề được chia sẻ trên nền tảng zoom với sự tham dự của cán bộ, giảng viên trong Khoa.
ThS. Bùi Thị Hải Yến trình bày seminar
Khổng Tử từng nói: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Đây được coi là nguồn gốc tư tưởng đầu tiên của giáo dục trải nghiệm. ThS. Bùi Thị Hải Yến đã mở đầu bài trình bày của mình để đưa đến những cơ sở lý luận của hình thức học tập được nghiên cứu và ứng dụng trong giáo dục của hầu hết quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Anh, Đức, Mỹ…và cả Việt Nam. Và những cơ sở lý luận về hình thức học tập trải nghiệm bao gồm:
- Khái niệm học tập trải nghiệm
Học tập trải nghiệm (Experiential learning) là quá trình cá nhân huy động tối đa cảm xúc, kinh nghiệm sẵn có khi tham gia trực tiếp vào các hoạt động gắn với thực tiễn nhằm tạo ra những kinh nghiệm mới cho bản thân để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Kinh nghiệm có vai trò cốt lõi trong quá trình học tập.
Học tập trải nghiệm còn được hiểu là học thông qua hành động, học thông qua khám phá và tìm tòi nên có vai trò quan trọng trong tích cực hóa hoạt động học tập của người học, phát triển đa dạng năng lực cá nhân của người học và phát triển hứng thú cảm xúc tích cực trong học tập.
- Mô hình học tập trải nghiệm của David A.Kolb
David A.Kolb nghiên cứu mô hình học tập trải nghiệm vào năm 1984.
Bước 1. Kinh nghiệm cụ thể (Cảm nhận): Người học học tập thông qua các hoạt động, thao tác cụ thể, trực tiếp (lắng nghe, tìm kiếm quan sát, ngửi, nếm, nhận diện…).
Bước 2. Quan sát – phản ánh (Quan sát, suy ngẫm): Người học xử lí, suy ngẫm các sự kiện đang xảy ra dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm cũ và chia sẻ của những người xung quanh.
Bước 3. Trừu tượng hóa khái niệm (Tư duy): Người học khái quát hóa những gì đã quan sát được thành thông tin mới, kinh nghiệm mới.
Bước 4. Thử nghiệm tích cực (Làm): Người học áp dụng kiến thức mới, kinh nghiệm mới vào tình huống hoặc sự việc mới trong phạm vi mở rộng.
ThS. Bùi Thị Hải Yến cũng đưa ra các ví dụ áp dụng học tập trải nghiệm trong môn Toán, môn Công nghệ. Đồng thời cũng chỉ ra quan niệm sai lầm khi cho rằng học tập trải nghiệm chỉ diễn ra ở ngoài trời. Thực tế học tập trải nghiệm có thể diễn ra ngay trên lớp học hoặc ngoài trời. Buổi seminar nhận được đông đảo ý kiến thảo luận của cán bộ, giảng viên trong Khoa.
Nhóm NCM Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ