Các trường đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo Quốc gia, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số
Hôm nay, ngày 12/10/2024 nhân kỷ niệm 68 năm thành lập, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Năm học này Học viện đón hơn 6000 sinh viên, các em sinh viên khóa 69 đang từng giờ hòa nhập với hơn 20.000 sinh viên miệt mài học tập trên các giảng đường, các phòng thí nghiệm với trang thiết bị tiện ích, hiện đại. Cùng đông hành với sinh viên là gần 1300 cán bộ, viên chức, trong đó có gân 700 giảng viên, nhà khoa học có học hàm, học vị cao: tiến sĩ, giảng viên cao cấp, phó giáo sư, giáo sư… với tấm lòng yêu nghề, thương yêu sinh viên.
Vinh dự cho Học viện Nông nghiệp khi được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Quý vị khách quý về thăm và động viên các thế hệ thầy và trò Nhà trường nhân Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 và Khánh thành các công trình thuộc dự án “Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” do Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp xin trích dẫn toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tô Lâm – Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thưa các Giáo sư, giảng viên, các vị khách quí và các em sinh viên thân mến,
Nhân dịp Khai giảng năm học mới 2024-2025 và kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam (12/10/1956-12/10/2024), tiền thân là Trường Đại học Nông lâm, một trong 4 trường đại học được thành lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin thân ái gửi đến các Giáo sư, giảng viên, các vị khách quí và các em sinh viên lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc các thầy cô sức khỏe, thành công trong sự nghiệp trồng người, chúc các em sinh viên đạt được nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, để trở thành những chủ nhân xứng đáng của đất nước trong tương lai!
Thưa Quý vị và các em,
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu; Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh!” và lời dạy của cổ nhân “phi nông bất ổn” nên trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và coi trọng phát triển nông nghiệp. Trong thời đại ngày nay, với những gì chúng ta đã có, tôi tin là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ luôn chủ động về tâm, thế và lực để làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia để từ đó có những đổi thay căn bản và toàn diện về thể chế và tổ chức, về khoa học và công nghệ, về giáo dục và đào tạo, về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, đủ sức tạo ra những đột phá về chất và lượng, tạo ra các động lực và nguồn lực mới, đưa nông nghiệp nước ta vươn lên những tầm cao mới, mang tính thời đại và cách mạng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường toàn cầu, mang lại cho bà con nông dân cuộc sống ngày thêm ấm no hơn, giầu có hơn, nông thôn Việt Nam ngày thêm văn minh, giàu đẹp và thịnh vượng hơn.
Thưa các thầy cô giáo, các vị khách quý và các em sinh viên,
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong các trường đại học trọng điểm của đất nước. Gần 70 năm qua, Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 120 ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ đại học, trên 15.000 thạc sỹ và hơn 700 tiến sỹ. Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo là nguồn nhân lực rất quan trọng trên mặt trận nông nghiệp và phát triển nông thôn, dấu chân họ đã in đậm trên mọi nẻo đường đất nước, họ đã cống hiến sức lực và trí tuệ vào những thành tựu nổi bật của công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn nước nhà, nhất là trong thời kỳ đổi mới.
Thực hiện các Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương khóa XIII và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về giáo dục & đào tạo, về khoa học & công nghệ, nhất là Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tôi rất vui mừng được biết, Học viện luôn là đơn vị đi đầu và tiên phong trên nhiều lĩnh vực; tôi xin nêu một số kết quả rất cụ thể sau:
Về tổ chức và thể chế, Học viện là 1 trong 6 trường đại học đầu tiên được Chính phủ tin tưởng giao thí điểm tự chủ theo của Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập; và được đánh giá là một trong các trường đại học thực hiện sinh động và thành công nhất Nghị định của Chính phủ về Quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như việc thực hiện có hiệu qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do QH khóa 14 ban hành.
Về đào tạo, Học viện là một trong các trường đại học luôn đi đầu trong đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, kết hợp nhuần nhuyễn và biện chứng giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, giữa nhà trường với thực tiễn sản xuất-kinh doanh, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp, đổi mới và sáng tạo cho sinh viên, đồng thời hướng các em đến các nền nông nghiệp tiên tiến, mở ra các tầm nhìn mới, các ý tưởng mới, mang tư duy công nghiệp vào phát triển nông nghiệp nước nhà. Học viện cũng là đơn vị đi đầu tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao theo mô hình phát triển của các trường đại học nghiên cứu danh tiếng trên thế giới. Tôi rất vui mừng khi biết trên 97% sinh viên của Học viện có việc làm sau một năm tốt nghiệp, điều này cho thấy chất lượng đào tạo của Học viện đã đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động.
Về NCKH và phát triển công nghệ, Học viện đã coi nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là sức sống của trường đại học, gắn bó hữu cơ với nhiệm vụ đào tạo. Học viện cũng luôn chủ động, tích cực và sáng tạo trong chuyển giao công nghệ vào thực tiễn. Bà con nông dân và doanh nghiệp trên nhiều vùng miền của đất nước có lẽ không bao giờ quên các giống cây trồng, các chế phẩm sinh học, các cuộc cách mạng về mùa vụ, về tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới mô hình quản lý của Học viện mà bà con và doanh nghiệp đã được đón nhận và ứng dụng thành công; các thế hệ thày và trò Học viện luôn tự hào với tên tuổi các nhà khoa học, nhà giáo lừng danh như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Vũ Tuyên Hoàng, Nguyễn Thị Trâm, v.v… nhiều cán bộ và sinh viên Học viện được trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về KH&CN, được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động …
Học viện cũng là một điển hình về hội nhập quốc tế theo phương châm “lấy ngoại lực để thúc đẩy nội lực phát triển”, chấp nhận và vươn đến các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo, NCKH và quản trị nhà trường. Sự hiện diện của các vị khách quốc tế như các vị Đại sứ, Ngân hàng Thế giới, JICA, KOICA… và đại diện sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia đang học tập tại đây là một minh chứng rất thuyết phục về tầm vóc của Học viện trong con mắt bạn bè quốc tế.
Với những đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp và PTNT, cho đất nước, Học viện đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 2 lần đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tôi ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành nông nghiệp và PTNT đã có được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của BCHTW, của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiêu biểu là giữ vững an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, đi đầu trong việc tạo lập nền nông nghiệp tuần hoàn, các bon thấp, tăng trưởng xanh; trong đó có sự đóng góp xuất sắc và toàn diện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào thành tựu chung đó.
Thưa quí vị đại biểu và các em sinh viên,
Các bài học trong quá trình phát triển của đất nước từ ngày có Đảng cho thấy, sự đổi mới và các thành tựu mang tầm thời đại của Dân tộc ta hầu như đều được khởi nguồn từ nông dân, từ nông nghiệp, để từ đó đất nước vươn mình lên tầm vóc và vị thế mới. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc; Kỷ nguyên mới đươc bắt đầu từ tầm nhìn mới, từ tư duy mới, từ nhận thức mới; điều đó được kiến tạo trước hết là từ nông nghiệp, vì nông nghiệp. Muốn vậy, nông nghiệp cần và phải dựa trên 3 trụ cột với tâm và thế mới, đó là (i) thể chế và tổ chức, (ii) khoa học và công nghệ, và (iii) đào tạo nguồn nhân lực đủ sức gánh vác các nhiệm vụ mới; trong đó, các trường đại học phải thực sự trở thành trung tâm của đổi mới và sáng tạo và là biểu tượng, là niềm tự hào về tiềm lực khoa học và công nghệ Quốc gia.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ là then chốt đối với sự phát triển và hưng thịnh của Đất nước. Nhân dịp này, tôi đề nghị các Bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Trường đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo Quốc gia, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Vì vậy, Học viện phải phấn đấu để không những là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước mà còn phải là một cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới, một trung tâm của đổi mới sáng tạo, một địa chỉ tin cậy của khởi nghiệp Quốc gia. Học viện cần xây dựng một Đề án phát triển tổng thể với lộ trình phù hợp để trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đa phân hiệu theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Các bộ ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ Học viện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Đề án này. Trong khi chờ xây dựng và phê duyệt Đề án, tôi đề nghị Bộ NN và PTNT, Bộ Khoa học & Công nghệ và các bộ ngành liên quan cùng với UBND Tp. Hà Nội ưu tiên hỗ trợ Học viện xây dựng Công viên khoa học nông nghiệp và Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời với việc cho sáp nhập một số cơ sở đào tạo và NCKH thuộc và trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT về Học viện, tạo lập nên một hệ sinh thái đủ mạnh để Học viện có thể phục vụ tốt hơn, toàn diện hơn cho sự phát triển của ngành, của đất nước.
Hai là, Những người tốt nghiệp đại học ngày nay không những cần phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, có khả năng thích ứng nhanh, kịp thời với trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và chuyển đôi số; mà còn cần phải có kỹ năng tự học suốt đời, kỹ năng đổi mới sáng tạo, có khả năng tư duy phản biện và hợp tác, cùng với các kĩ năng mềm khác, đảm bảo các em có đủ năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng. Vì thế, các trường đại học, trong đó có Học viện, phải tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo phải đảm bảo tính tương thích, hội nhập, quốc tế hóa theo các chuẩn mực tiên tiến càng sớm càng tốt; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tôi tin rằng, sinh viên được đào tạo từ Học viện sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ba là, các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH), trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải tiếp tục thực hiện công cuộc tự chủ đại học thực chất hơn và ở tầm cao mới, theo các tiêu chí và thông lệ của giáo dục đại học ở các nước phát triển; đảm bảo hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học, nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt, xuất phát từ thực tiễn đất nước và con người Việt Nam. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách để các trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học, để chúng ta sớm có một hệ thống giáo dục đại học có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư mà là đầu tư theo các ‘kết quả đầu ra’ mà cơ sở giáo dục cam kết với Nhà nước; đặc biệt là ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành nghề khó xã hội hóa, ít hấp dẫn đối với người học, nhưng đất nước đang thực sự rất cần và là thế mạnh của chúng ta như nông-lâm-ngư nghiệp.
Bốn là, Nghiên cứu của Học viện phải hướng tới phục vụ mục tiêu “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”. Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng và văn minh. Các bộ ngành hỗ trợ và hướng dẫn Học viện sớm cho thí điểm và mở rộng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off), làm cầu nối giữa nghiên cứu trong trường đại học với doanh nghiệp, với thực tiễn, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Năm là, Tôi rất vui mừng khi được chứng kiến một cơ ngơi khang trang, bề thế, sáng xanh sạch đẹp của Học viện trong ngày khánh thành dự án VNUA-SHAHEP từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới. Để phát huy cao hơn nữa nguồn lực trí tuệ, nguồn lực đất đai và cơ sở vật chất hiện đại này, tôi yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tạo điều kiện tốt nhất để Học viện tham gia tích cực vào các chương trình KH&CN do Bộ chủ trì, trước mắt là chương trình xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp và các chương trình khác trong thời gian tới; các phòng thí nghiệm với các thiết bị ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trên thế giới của Học viện phải là lực lượng chủ lực trong hệ thống các phòng thí nghiệm tham chiếu, được chỉ định của Quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt; cũng như Bộ cần tiếp tục hỗ trợ, đầu tư để Học viện có thể thực hiện tốt hơn việc giáo dục toàn diện cho người học về đức-trí-thể-mỹ, để các em có đủ ‘sức khỏe’ về tâm hồn và thể chất, về chuyên môn và khả năng thích ứng, về đạo đức và sự tự tin, về tầm nhìn và lòng tự hào để có thể vững bước trên con đường lập thân lập nghiệp trong một thế giới hội nhập và thay đổi nhanh chóng; và điều đó chính là chỉ dấu cho việc sinh viên thực sự là trung tâm trong suốt quá trình đào tạo của Nhà trường.
Tôi yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm đầu mối của các trường đại học liên quan tổ chức đào tạo về Phòng chống thiên tai để hình thành đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai chuyên nghiệp ở nước ta; đồng thời giao Học viện mở lại chương trình đào tạo cán bộ quản trị HTX theo hình thức đối tác công tư, một lĩnh vực rất quan trong của đất nước và Học viện đã có kinh nghiệm nhiều năm trước đây trong việc đào tạo lĩnh vựa này, một khâu rất quan trọng trong việc tổ chức nông dân và kết nối nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản của chúng ta.
Sáu là, Phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa trường đại học với địa phương, nhất là địa phương sở tại. Trường đại học đóng trên địa bàn nào cần có những hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó; đồng thời, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển. Với tinh thần đó tôi đề nghị thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, kết nối hạ tầng và vệ sinh môi trường, tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ Học viện trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, thực hiện tốt quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt.
Thưa các Giáo sư, giảng viên, các vị khách quí và các em sinh viên thân mến,
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mới, hôm nay trong khí thế của những ngày đầu năm học mới 2024-2025, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, một lần nữa tôi tôi gửi lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các địa phương, tỉnh thành, bộ ngành, của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Tôi mong và tin rằng Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, luôn không ngừng đổi mới sáng tạo, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp hàng đầu của Việt Nam, sớm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện, một Nhà trường Anh hùng, thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu“Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”!
Chúc các Giáo sư, giảng viên, các vị đại biếu, các vị khách quí và các em sinh viên luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn!