Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Những sản phẩm nghiên cứu của Học viện phải thích ứng với một nền nông nghiệp xanh, nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Chiều ngày 03/6/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng đã đến thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Trung tâm Thông tin – Thư viện Lương Định Của và Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Dược liệu Việt Nam – VNUA Pharma.

Sản phẩm nghiên cứu phải có sự khác biệt

Thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ghi nhận những thành tựu nghiên cứu khoa học của Viện, đặc biệt động viên, khích lệ nhóm nghiên cứu đã tạo ra giống ngô ngọt “trái cây” – một sản phẩm mới lạ, độc đáo, có triển vọng ứng dụng cao. Tại buổi làm việc với lãnh đạo, các nhà khoa học của Học viện, Bộ trưởng nhấn mạnh, để thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, chúng ta cần chứng minh được sản phẩm mình tạo ra có sự khác biệt so với những sản phẩm của người khác làm. Bởi vì những sản phẩm tương đồng không có sự khác biệt thì khó đi vào thực tế, vào thị trường.

Chính từ vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu những dòng sản phẩm khác biệt, sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Học viện phải chứng minh được với thế giới rằng những sản phẩm nghiên cứu của Học viện đã thích ứng với một nền nông nghiệp xanh, nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. “Làm sao trên bao bì sản phẩm nghiên cứu khoa học của Học viện có dòng chữ: Đây là sản phẩm được nghiên cứu thích ứng với nền kinh tế xanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, các nhà khoa học của Học viện có thể trực tiếp đặt hàng với Bộ bằng những ý tưởng để giải quyết các vấn đề sống còn của ngành nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, nghiên cứu khoa học bắt đầu từ ý tưởng của một người, nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó cần đến sự hợp tác, hợp sức của nhiều người. Do đó, trước khi trình bày ý tưởng lên Bộ, các nhà khoa học của Học viện cần họp bàn với nhau để góp ý, hoàn thiện.

“Tôi đảm bảo những ý tưởng đó sẽ thương mại hóa được. Bộ sẽ đón nhận về như là một chương trình quốc gia của Bộ và nó sẽ đc thị trường đón nhận bởi ý tưởng đó đã được tích hợp tinh hoa tri tuệ của những nhà khoa học đầu ngành của Học viện”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học

Báo cáo về thực trạng và giải pháp ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện cho biết, trong 5 năm gần đây, Học viện đã có 59 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia gồm: 26 giống cây trồng; 11 tiến bộ kỹ thuật; 22 giải pháp hữu ích/bằng độc quyền sáng chế. Nhiều sản phẩm và công nghệ đã được áp dụng thực tiễn và đóng góp cho phát triển kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Ngoài việc tăng cường công bố quốc tế, Học viện chú trọng công tác nghiên cứu tạo ra các công nghệ và các sản phẩm mới, có tính ứng dụng cao, phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp – phát triển nông thôn, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới công tác tổ chức, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động khoa học công nghệ. Đặc biệt là chỉ đạo thành lập các viện/trung tâm nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các doanh nghiệp khởi nguồn khoa học công nghệ (spin-off).

 GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo về thực trạng và giải pháp ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Học viện

Trong giai đoạn 2020-2022, hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện đã đạt được thành tích đáng khích lệ, số lượng, kinh phí đề tài tăng. Số lượng các tiến bộ kỹ thuật/bằng sáng chế/giải pháp hữu ích tăng mạnh, đặc biệt là các công bố quốc tế, tăng 26%. Đặc biệt trong năm học vừa qua, Học viện đã tổ chức thành công 5 hội nghị lớn với chủ đề “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” tại Hà Nội, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Giang với hơn 1.600 lượt người tham dự trực tiếp và trên 5.000 người tham dự online của 22 tỉnh thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, Học viện luôn coi nghiên cứu khoa học là sức sống, khoa học công nghệ là động lực, then chốt để thúc đẩy kinh tế, xã hội và coi khoa học công nghệ làm nên tên tuổi, tầm vóc, uy tín thương hiệu của Học viện. Đặc biệt, việc phát huy năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của người học có vai trò cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của người học và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.

 Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Thanh Thủy trình bày tổng quan về ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp
 TS. Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn giới thiệu mô hình “Hợp tác xã trường học”

Kết thúc buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Thị Lan gửi lời cảm ơn và tiếp thu những chia sẻ, chỉ đạo sâu sắc của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ đó đã gợi ra nhiều ý tưởng mới trong công tác quản lý của Học viện nói chung và công tác quản lý khoa học công nghệ nói riêng. GS.TS. Nguyễn Thị Lan đề nghị, mỗi cán bộ có mặt tại buổi làm việc nghiêm túc tiếp thu và thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, cụ thể hoá bằng các đề xuất nhằm thực hiện tốt việc đưa những kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện ứng dụng thực tế, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của Học viện, chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp./.