Những khó khăn trong học tập và sinh hoạt
Khi thi tốt nghiệp THPT, mình đã đăng ký 2 nguyện vọng là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một trường tỉnh, và đã đậu cả 2 nguyện vọng. Mình đã ưu tiên ngay nguyện vọng 1 là Học viện Nông nghiệp. Với niềm yêu thích Tiếng Anh vốn có, mình sớm đã tìm hiểu kỹ về ngành Ngôn ngữ Anh, cũng như khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, mình đã luôn hướng đến nơi này.
Nguyễn Đình Quang (sinh năm 2000) là lớp trưởng K63ENGD, khoa Sư phạm & Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. |
Trong những ngày tháng đầu sinh viên, mình đã khó bắt kịp nhịp học của các bạn và mạch giảng dạy của thầy cô, bởi ngay từ các cấp học dưới, mình thiếu đi sự tìm hiểu về môi trường Đại học. Mình vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông nghiệp, dù vậy bố mẹ luôn tạo điều kiện tốt nhất để mình tập trung vào việc học tập với mong muốn sau này có một công việc tốt, một tương lai tươi sáng hơn. Đó là điều khiến mình luôn tự hào và tự tin mỗi khi tiếp xúc với các bạn mới. Cả bố, mẹ và chị gái mình luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho mình, đôi khi có nhiều bài vở hay có những khó khăn trong sinh hoạt sinh viên, trong việc đi làm thêm, mình luôn được giải tỏa bằng những sự quan tâm, chia sẻ từ phía người thân của mình. Và hơn hết, mình luôn tâm đắc với câu châm ngôn: “No pain no gain”, có áp lực lớn mới tạo nên thành công lớn. Và với sự nỗ lực, cố gắng cải thiện bản thân, mình đã đạt được học bổng trong những học kỳ vừa qua. Mình còn đạt được các thành tích như được Giám đốc Học viện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Sinh viên năm học 2019 – 2020 cũng như các giấy khen của Đoàn Thanh niên và khoa Sư phạm & Ngoại ngữ vì có những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn.
Người trẻ với những hoạt động cộng đồng
Bản thân mình có suy nghĩ, khi ta còn trẻ, còn sức trẻ để cống hiến, ta hãy cứ làm những điều mặc dù không mang đến giá trị vật chất, bù lại là những giá trị tinh thần và trải nghiệm tích lũy. Bởi chỉ sau quãng đường sinh viên tưởng dài nhưng rất ngắn ngủi này, sẽ là những công việc, những trách nhiệm với bản thân, người thân và xã hội. Khi đó ta có nuối tiếc về tuổi trẻ đã qua cũng không thể làm gì được và sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?
Là thế hệ thanh niên xung kích, chàng trai trẻ tích cực tham gia hiến máu tình nguyện vì cộng đồng. |
Mình may mắn được cô giáo và các bạn trong lớp tin tưởng giao cho trọng trách làm lớp trưởng, được các anh chị và thành viên tin tưởng bổ nhiệm vai trò Đội trưởng đội Sinh viên Tình nguyện (SVTN) Thường trực khoa Sư Phạm & Ngoại Ngữ và cũng là một thành viên tích cực trong Ban chấp hành Liên chi Đoàn khoa Sư phạm & Ngoại ngữ. Dù không chắc mình đã làm tốt cả bên Liên chi Đoàn và bên Đội nhưng mình luôn hài lòng về những việc mình đã làm được trong cả học tập cũng như trong các hoạt động ở đội SVTN. Giờ đã là sinh viên năm cuối, nên việc thực tập cũng như làm khóa luận tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu của mình. Dù vậy mình vẫn sẽ tiếp tục tham gia hoạt động Đoàn – Hội nhưng ở mức ít hơn. Và bản thân sẽ luôn giúp đỡ các nhân tố tương lai trong đội, vì các em sẽ là nòng cốt, trụ cột của đội trong tương lai.
Tuổi trẻ ý nghĩa nhất khi được tham gia các hoạt động Đoàn – Đội – Hội. |
Mình có đôi lời nhắn nhủ đến các bạn tân sinh viên: Hãy cứ sống hết mình với sở thích và đam mê của mình, đừng ngần ngại với đam mê ấy, chỉ có các bạn mới là người thực hiện được nó. Và nếu có dự định hoặc chưa, thì hãy cứ một lần trải nghiệm hoạt động trong Đoàn – Hội, biết đâu các bạn sẽ tìm được gì đó mà sau giảng đường đại học bạn không thể nào có được. Chúc mừng và chào đón tất cả các bạn có mặt tại đây, ngôi trường này và đặc biệt là những sinh viên tương lai của khoa Sư Phạm và Ngoại Ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Mình hi vọng có thể truyền được phần nào cảm hứng cho các bạn tân sinh viên trong và ngoài Học viện về tinh thần tình nguyện và sức trẻ, tham gia vào những hoạt động tập thể như Đoàn – Hội – Đội để không phải có bất kỳ sự nuối tiếc nào khi ngưỡng cửa giảng đường đóng lại, những năm tháng sinh viên đã qua.