Mời học sinh tham gia các hội nghị đồng hành với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn là cách Học viện Nông nghiệp Việt Nam khơi dậy niềm đam mê nông nghiệp ở các em và có lẽ phần nào giải quyết tình trạng ngày càng ít sinh viên theo học ngành nông nghiệp. Trên bình diện cả nước, bài toán thiếu hụt nhân lực ngành nông nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cần có lời giải căn cơ ở cấp cao hơn.
Hai tuần trước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn tại tỉnh Sơn La. Điều thú vị là sự kiện có sự tham gia trực tuyến của học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn 5 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu và Điện Biên.
Lý giải việc mời học sinh tham gia hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện cho biết: vùng Tây Bắc có thế mạnh, tiềm năng về nông nghiệp, nông thôn nhưng nguồn nhân lực đang là một trong những nút thắt lớn. Mong muốn của trường là khơi dậy niềm đam mê nông nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông. Từ đó sớm khơi dậy ý thức khát vọng vươn lên và trở thành những chủ nhân có đủ tri thức làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với ý tưởng như vậy, các hội nghị tương tự sẽ được Học viện tổ chức trong tháng 4 này ở Thái Bình, Hà Giang và Thanh Hóa.
Sơn La – “hiện tượng nông nghiệp” của nước ta những năm gần đây – cũng đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực nông nghiệp. Như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Sơn La Nguyễn Hữu Đông, với chủ trương phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh có nhu cầu lớn về lao động có chuyên môn, có tay nghề cao. Tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, trình độ khoa học – công nghệ và chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ thanh thiếu niên đi học và đang học ở các trường chuyên nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn thấp. Lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào nhưng lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn lại rất thiếu. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên trúng tuyển, kể cả cử tuyển, vào các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề khi tốt nghiệp lại không muốn về Sơn La làm việc.
Tháng 2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cùng họp bàn về phát triển nhân lực ngành nông nghiệp. Những con số đưa ra tại cuộc họp này hết sức đáng suy nghĩ. Lao động trong ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 30% lực lượng lao động trên cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm. Giai đoạn 2016 – 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 – 2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp sẽ khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp. Kéo theo đó là thu nhập và điều kiện sống nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm được cải thiện; khả năng thích ứng với biến động của thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng bị hạn chế.
Suốt những năm qua, nông nghiệp luôn chứng tỏ vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế nước ta trong mọi tình huống; chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới. Bởi thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn là nhiệm vụ cấp bách lúc này. Chủ động hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, khơi dậy đam mê nông nghiệp, đam mê khởi nghiệp từ lúc các em còn ngồi trên ghế nhà trường như Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang làm là một cách hay. Tuy nhiên, bài toán thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cần được giải ở cấp cao hơn và toàn diện hơn mới có thể củng cố sức mạnh của trụ đỡ nông nghiệp.