Ngày 29/3/2023, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đã tổ chức Hội thảo chuyên môn Góp ý chương trình, tài liệu kỹ năng dạy học. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ giảng viên trong và ngoài Học viện.
Thực hiện theo QĐ số 353/QĐ-KTHT-NNNT ngày 7 tháng 12 năm 2022 của Cục trưởng cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho nhà giáo, nghệ nhân, thợ giỏi, cán bộ khuyến nông tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Sau thời gian nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin về các tiêu chuẩn liên quan đến chương trình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức biên soạn tài liệu chương trình Bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho nhà giáo, nghệ nhân, thợ giỏi, cán bộ khuyến nông tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và hôm nay, Học viện tổ chức Hội thảo chuyên môn góp ý chương trình, tài liệu kỹ năng dạy học.
Hội thảo chuyên môn góp ý chương trình, tài liệu kỹ năng dạy học
Đại diện Tổ xây dựng chương trình, tài liệu kỹ năng dạy học: TS. Nguyễn Tất Thắng – Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa DL&NN; ThS. Bùi Thị Hải Yến – Bộ môn Sư phạm Công nghệ, Khoa DL&NN
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia: PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Trương Xuân Cảnh – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS. Lê Thị Thu Hằng – trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ThS. Hoàng Thị Mai – Đại học Nông Lâm Bắc Giang và các chuyên gia, các giảng viên đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
ThS. Bùi Thị Hải Yến trình bày nội dung chính trong tài liệu kỹ năng dạy học
Thay mặt cho Tổ xây dựng chương trình, ThS. Bùi Thị Hải Yến đã trình bày những nội dung chính trong tài liệu kỹ năng dạy học như: Đặc điểm dạy nghề cho lao động nông thôn và dạy học theo năng lực thực hiện, Thiết kế đào tạo, Phát triển đào tạo, Thực hiện đào tạo, Đánh giá người học.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp những ý kiến, kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng chương trình. Các ý kiến đặc biệt chú trọng tới các phương diện như: Sự cần thiết, cách tiếp cận người học; góp ý điều chỉnh nội dung cho phù hợp; cụ thể hóa các hoạt động, các hoạt động thực nghiệm trực quan …
Theo đánh giá, chương trình của tài liệu được xây dựng khá công phu và khoa học. Tổ soạn thảo đã ghi nhận những đóng góp quý báu của các chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện tài liệu theo đúng tiến độ.
Một số hình ảnh trong Hội thảo: