Ngày 28/9/2022, nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học Tiếng Anh đã tổ chức trao đổi chuyên đề “Một số lưu ý khi sử dụng hình thức đánh giá trình diễn trong lớp học ngoại ngữ” (Some basic considerations in using performance-based assessment in an efl class) do ThS. Trần Thị Tuyết Mai trình bày.
ThS. Trần Thị Tuyết Mai trình bày seminar |
Đánh giá dựa trên trình diễn của người học, hay đánh giá trình diễn là hình thức đánh giá đã được sử dụng trong nhiều thập kỉ qua và đã chứng minh được tầm quan trọng của nó trong kiểm tra đánh giá ngôn ngữ. Ngay từ thập niên 90, các dạng bài kiểm tra trắc nghiệm đã cho thấy tính không hiệu quả do không đánh giá được năng lực ngôn ngữ của người học. Vì thế, đánh giá trình diễn lại nổi lên như một phương tiện được ưa chuộng. Brown và Hudson (1998) đã khẳng định rằng “ngôn ngữ thực tế không phải là trả lời những câu hỏi trắc nghiệm”. Tại Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chương trình cho ngành ngôn ngữ Anh được xây dựng theo khung châu Âu với trình độ từ A2-C1 theo tiêu chí “người học có thể làm được gì”. Chính vì vậy, việc lựa chọn hình thức đánh giá trình diễn trong các môn học là hoàn toàn phù hợp nhằm đánh giá chính xác năng lực ngôn ngữ của người học.
Theo Shohamy & May (2008), hình thức đánh giá trình diễn là hình thức kiểm tra năng lực của người học khi thực hiện những tác vụ cụ thể, thường liên quan đến công việc hoặc học hành. Có thể liệt kê rất nhiều lợi ích mà hình thức này mang lại cho cả người dạy và người học. Về phía người dạy, họ có thể khám phá điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, cải thiện các chỉ dẫn, quyết định xây dựng chương trình như thế nào, xác định được chiến lược phù hợp để lập nhóm sinh viên và nhận ra được những khái niệm cốt lõi nào cần phải nhấn mạnh hay thậm chí cần dạy lại cho người học. Về phía người học, họ sẽ được liên quan trực tiếp và sâu sắc đến quá trình học, nâng cao sự tự tin khi kết quả được so sánh đối chiếu với các tiêu chí, chứ không phải so sánh với các sinh viên khác. Ngoài ra, hình thức này cũng tạo động lực cho sinh viên học ngôn ngữ đích hơn, cho phép sinh viên được tự xây dựng bài làm của mình. Với những ưu điểm như trên, đánh giá trình diễn đã và đang được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức và cơ sở giáo dục (Abedi, 2010).
Bên cạnh các ưu điểm nổi bật thì hình thức đánh giá trình diễn cũng có một số vấn đề cần lưu ý. Đây là hình thức đánh giá khá khó và tốn nhiều thời gian trong việc thiết kế, tổ chức, cho điểm và trình bày. Nếu hình thức này được tổ chức trên cấp độ rộng thì chi phí cho việc tổ chức và chấm điểm sẽ rất cao. Một số học giả thì cho rằng, hạn chế lớn nhất của đánh giá trình diễn là độ xác trị và độ tin cậy khi chấm điểm. Đôi khi điểm số có thể thay đổi qua các lần chấm và người chấm. Bản thân giáo viên cũng chưa được trang bị, hỗ trợ đầy đủ để thực hành đánh giá một cách chính xác.
Tuy nhiên, tất cả các nhược điểm trên đều có thể cải thiện được nhằm sử dụng hình thức đánh giá trình diễn một cách hiệu quả. Trước hết, giáo viên cần xác định kỹ năng và kiến thức cần đánh giá là gì, những dạng bài nào sẽ được sử dụng. Đồng thời cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, trong đó sinh viên có thể được thảo luận và hướng dẫn chi tiết trước khi được áp dụng chấm chính thức. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phản hồi cho sinh viên, phản hồi này cần đưa ra ý kiến, thông tin chi tiết để cả giáo viên và sinh viên có thể làm tốt hơn ở những lần trình bày sau. Cuối cùng, các giáo viên cũng cần hợp tác chặt chẽ với nhau để có thể trao đổi tài liệu nhằm đa dạng nguồn bài và bộ tiêu chí đánh giá.
Như vậy, hình thức đánh giá trình diễn với nhiều ưu điểm nổi bật nên tiếp tục được sử dụng trong các lớp học ngoại ngữ. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa các nhược điểm của hình thức này, giáo viên cần chuẩn bị kĩ càng từng bước nhằm đáp ứng chuẩn kiến thức kỹ năng của môn học đồng thời nâng cao chất lượng bài làm của sinh viên.
Nhóm Nghiên cứu mạnh