Tiềm năng phát triển Farmstay tại Việt Nam

Ngày 1/3/2023, Nhóm Nghiên cứu mạnh Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ tổ chức seminar với chủ đề “Tiềm năng phát triển Farmstay tại Việt Nam” do ThS. Đặng Xuân Phi trình bày. Theo tác giả, Việt Nam là nước có rất nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, từ địa hình đến điều kiện khí hậu, tạo nên một nền nông nghiệp đa đạng, phong phú với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Việt Nam có quỹ đất nông nghiệp lớn, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển Farmstay.

ThS. Đặng Xuân Phi trình bày seminar

Trong thời  gian gần đây, Farmstay đang nổi lên như một xu thế mới trong du lịch bởi tính hấp dẫn và mang lại giá trị lâu dài. Farmstay là một hình thức của du lịch nông nghiệp, rất phù hợp cho những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm thực tế và độc đáo về nông nghiệp và văn hóa bản địa, vùng miền. Đó là chưa kể Farmstay còn rất phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập… nên được nhiều gia đình trẻ ưa chuộng và lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần. Farmstay là hình thức du lịch nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế, là sự kết hợp giữa hoạt động nông nghiệp và hoạt động du lịch.

Trong bài trình bày, tác giả trình bày Tiềm năng phát triển Farmstay ở Việt Nam với những nội dung chính như sau:

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp: Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển với những đặc sản địa phương độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và văn hóa đa dạng. Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp là một xu hướng phát triển mới trong ngành du lịch, có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho cả vùng đất và cộng đồng địa phương.
Đáp ứng nhu cầu của du khách: Nhiều du khách muốn trải nghiệm cuộc sống đồng quê và tìm hiểu về đời sống của người dân địa phương. Farmstay là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn tránh xa khỏi sự ồn ào của thành phố và tận hưởng không khí trong lành và yên tĩnh.

Góp phần bảo tồn cảnh quan và di sản văn hóa: Việc phát triển Farmstay có thể giúp bảo tồn cảnh quan và di sản văn hóa địa phương, đồng thời giúp người dân địa phương duy trì và phát triển các hoạt động truyền thống của họ.

Đóng góp cho kinh tế địa phương: Phát triển Farmstay có thể mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương bằng cách tạo ra việc làm và thu hút khách du lịch đến với khu vực, đồng thời tăng doanh thu cho các sản phẩm địa phương.

Phát triển bền vững: Farmstay có thể được phát triển theo hướng bền vững bằng cách tôn trọng và bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp cho du khách những trải nghiệm thú vị về văn hóa và cộng đồng địa phương.